04 chiến lược đóng vị thế trong giao dịch thuật toán

Đăng lúc 1721634132,749574

Chiến lược đóng vị thế, hay chiến lược thoát lệnh, là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng thuật toán giao dịch. Đây là kế hoạch được nhà đầu tư xác định trước để thoát khỏi một vị thế giao dịch, nhằm mục đích bảo vệ lợi nhuận đã đạt được hoặc hạn chế thua lỗ. Chiến lược đóng vị thế có vai trò quan trọng vì nó quyết định thời điểm và cách thức nhà đầu tư đóng vị thế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuật toán. Sau đây là 04 chiến lược đóng vị thế phổ biến được sử dụng trong giao dịch thuật toán.

1. Chiến lược đóng vị thế theo ngưỡng cố định

Với mục đích hạn chế thua lỗ, nhà đầu tư xác định trước ngưỡng cắt lỗ, thấp hơn giá mua (đối với vị thế mua) hoặc cao hơn giá bán (đối với vị thế bán). Khi giá chạm đến ngưỡng cắt lỗ, lệnh sẽ được kích hoạt để đóng vị thế.

Với mục đích bảo vệ lợi nhuận, Nhà đầu tư xác định trước ngưỡng chốt lời, cao hơn giá mua (đối với lệnh mua) hoặc thấp hơn giá bán (đối với lệnh bán). Khi giá chạm đến ngưỡng chốt lời, lệnh sẽ được kích hoạt để đóng vị thế nhằm hiện thực hóa phần lợi nhuận đã đạt được.

Trong chiến lược đóng vị thế theo ngưỡng cố định, các ngưỡng chốt lời hoặc ngưỡng cắt lỗ sẽ không thay đổi theo biến động giá thị trường. Nhà đầu tư có thể linh hoạt kết hợp cả hai ngưỡng chốt lời cố định và ngưỡng cắt lỗ cố định trong cùng một thuật toán giao dịch, hoặc chỉ sử dụng một trong hai tùy theo mục tiêu và khẩu vị rủi ro của mình.

Ví dụ 01: Nhà đầu tư mua cổ phiếu FPT ở mức giá 150.000 VNĐ, đặt ngưỡng cắt lỗ 10% (135.000 VNĐ) và ngưỡng chốt lời 20% (180.000 VNĐ). Nếu giá giảm xuống 135.000 VNĐ, lệnh bán sẽ được kích hoạt để cắt lỗ. Nếu giá tăng lên 180.000 VNĐ, lệnh bán sẽ được kích hoạt để chốt lời.

Chiến lược đóng vị thế theo ngưỡng cố định là một phương pháp đơn giản và dễ thực hiện, tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số hạn chế. Do không tính đến sự biến động của thị trường, các ngưỡng cố định (cả cắt lỗ và chốt lời) có thể dễ dàng bị kích hoạt trong những đợt biến động mạnh, dù chỉ là tạm thời. Đối với lệnh cắt lỗ, điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể bị buộc phải bán ra ở mức giá thấp, bỏ lỡ cơ hội giữ vị thế khi giá hồi phục mạnh trở lại. Tương tự, đối với lệnh chốt lời, việc đóng vị thế quá sớm có thể khiến nhà đầu tư không tận dụng được đà tăng tiếp theo của thị trường, từ đó bỏ lỡ tiềm năng lợi nhuận lớn hơn. Do đó, nhà đầu tư cần cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ vốn và mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận để xác định ngưỡng đóng vị thế phù hợp.

2. Chiến lược đóng vị thế di động (Trailing Stop)

Trong chiến lược đóng vị thế di động, ngưỡng đóng vị thế ban đầu cũng được xác định tương tự như trong chiến lược cắt lỗ theo ngưỡng cố định, dựa trên tỷ lệ phần trăm hoặc một khoảng cách giá cố định so với giá vào lệnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là ngưỡng này sẽ tự động điều chỉnh theo biến động của giá thị trường, luôn giữ một khoảng cách nhất định so với mức giá cao nhất (đối với vị thế mua) hoặc thấp nhất (đối với vị thế bán) mà tài sản đạt được.

Cụ thể, với vị thế mua, khi giá tăng, ngưỡng đóng vị thế được điều chỉnh tăng theo tương ứng. Khi giá giảm, ngưỡng đóng vị thế được giữ nguyên. Nếu giá giảm xuống dưới ngưỡng đóng vị thế, lệnh bán sẽ được kích hoạt để đóng vị thế. 

Ngược lại, với vị thế bán, khi giá giảm, ngưỡng đóng vị thế được điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá tăng, ngưỡng đóng vị thế được giữ nguyên. Nếu giá tăng cao hơn ngưỡng đóng vị thế, lệnh mua sẽ được kích hoạt để đóng vị thế.

Ví dụ 02: Nhà giao dịch mở vị thế mua cổ phiếu FPT với giá 150.000 VNĐ và sử dụng chiến lược đóng vị thế di động với ngưỡng đóng vị thế ban đầu là 135.000 VNĐ (khoảng cách giá cố định là 15.000 VNĐ). Sau đó, tuỳ theo thay đổi giá cổ phiếu FPT, ngưỡng đóng vị thế được điều chỉnh như sau:

    • Giá tăng lên 160.000 VNĐ (+10.000 VNĐ), ngưỡng cắt lỗ được điều chỉnh tăng lên thành 145.000 VNĐ (+10.000 VNĐ);

    • Giá tiếp tục tăng lên 165.000 VNĐ (+5.000 VNĐ), ngưỡng cắt lỗ tiếp tục điều chỉnh tăng lên thành 150.000 VNĐ (+5.000 VNĐ);

    • Giá giảm từ 165.000 VNĐ xuống 160.000 VNĐ (-5.000 VNĐ), ngưỡng cắt lỗ vẫn giữ nguyên ở mức 150.000 VNĐ (-0.000 VNĐ);

    • Giá tiếp tục giảm xuống 150.000 VNĐ, lệnh bán sẽ được kích hoạt để đóng vị thế.

Khi sử dụng chiến lược đóng vị thế di động, nhà đầu tư có thể đồng thời đạt được cả hai mục đích: hạn chế thua lỗ và bảo vệ lợi nhuận. Khi giá di chuyển theo hướng có lợi, ngưỡng đóng vị thế tự động điều chỉnh theo, giúp "khóa" lại lợi nhuận đã đạt được, giúp nhà đầu tư hạn chế bỏ lỡ cơ hội hiện thực hóa lợi nhuận. Trong trường hợp giá đảo chiều, lệnh đóng vị thế (cắt lỗ) được kích hoạt, giúp nhà đầu tư thoát khỏi vị thế kịp thời, giảm thiểu tổn thất xuống mức tối thiểu có thể chấp nhận được.

3. Chiến lược đóng vị thế theo tín hiệu

Chiến lược đóng vị thế theo tín hiệu là một phương pháp giao dịch hệ thống, tận dụng sự kết hợp linh hoạt giữa các chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD và các yếu tố phân tích cơ bản như chỉ số báo cáo tài chính để xác định bộ tiêu chí (tín hiệu) đóng vị thế. Khi các chỉ số thoả điều kiện đã đặt ra, lệnh đóng vị thế sẽ được kích hoạt.

Ví dụ 03: Nhà đầu tư sử dụng chiến lược đóng vị thế theo tín hiệu như sau: “Khi giá cổ phiếu giảm xuống dưới đường trung bình động 200 ngày và chỉ số RSI giảm xuống dưới mức 30, bán để đóng vị thế.”

Khi sử dụng chiến lược đóng vị thế theo tín hiệu, nhà đầu tư cần lưu ý rằng không phải tín hiệu nào cũng đảm bảo mang lại lợi nhuận. Tính hiệu quả của mỗi tín hiệu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức sâu rộng về thị trường.

4. Chiến lược đóng vị thế theo thời gian

Đóng vị thế theo thời gian là một chiến lược giao dịch, trong đó nhà đầu tư xác định trước một khoảng thời gian tối đa để giữ một vị thế. Khi khoảng thời gian này kết thúc, vị thế sẽ được đóng lại, bất kể tình hình giá cả trên thị trường lúc đó.

Ví dụ 04: Một nhà đầu tư mua hợp đồng tương lai VN30F1M với mục tiêu lướt sóng trong ngày, muốn đảm bảo không giữ vị thế qua đêm để tránh rủi ro ngoài giờ giao dịch, có thể xác định thời gian đóng vị thế là 14:00 cùng ngày, bất kể kết quả giao dịch là lãi hay lỗ.

Việc xác định khoảng thời gian đóng vị thế tối ưu có thể là một thách thức, đòi hỏi kinh nghiệm và sự hiểu biết về thị trường cũng như khả năng phân tích và quản lý rủi ro của nhà đầu tư.

 

Ngoài 4 chiến lược đóng vị thế phổ biến nêu trên, còn rất nhiều biến thể khác nhau tùy theo nhu cầu của nhà giao dịch thuật toán. Các biến thể này có thể là sự kết hợp của 4 chiến lược trên. Ví dụ, trong chiến lược Beta vượt trội, việc đóng vị thế kết hợp giữa yếu tố thời gian và tín hiệu. Nhà đầu tư sẽ định kỳ xem xét lại danh mục đầu tư tại những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, thay vì đóng toàn bộ vị thế, họ chỉ bán những cổ phiếu không còn đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra từ trước.

Tóm lại, trong giao dịch thuật toán, xác định chiến lược mở vị thế chỉ là bước khởi đầu. Thành công của một thuật toán không chỉ phụ thuộc vào khả năng dự đoán đúng xu hướng thị trường mà còn ở việc quản lý rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận sau khi mở vị thế. Khi đó, chiến lược đóng vị thế (thoát lệnh) đóng vai trò then chốt, giúp nhà giao dịch chủ động kiểm soát rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Nguyên tắc "cắt lỗ nhanh, chốt lời chậm" thường được áp dụng để giảm thiểu thua lỗ ở mức tối thiểu và tối đa hóa lợi nhuận khi có thể, từ đó mang lại hiệu quả tổng thể và bền vững cho thuật toán.