Khái niệm
Chiến lược đầu tư Beta vượt trội, hay đầu tư theo yếu tố là chiến lược xây dựng danh mục đầu tư theo một quy trình có hệ thống, dựa trên quy tắc sử dụng các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp như thanh khoản, giá trị, chất lượng để làm tiêu chí ra quyết định đầu tư.
Beta vượt trội là chiến lược mở rộng của chiến lược đầu tư thụ động. Với đầu tư thụ động, nhà đầu tư chỉ cần mua toàn bộ cổ phiếu thành phần của một rổ chỉ số theo tỷ trọng vốn hóa thị trường và nắm giữ trong dài hạn nhằm đạt được lợi nhuận tương đương với chỉ số tham chiếu. Còn với beta vượt trội, tỷ trọng danh mục được xác định dựa trên các yếu tố cơ bản thay vì theo vốn hóa thị trường. Mục đích chính là tăng tỷ trọng các cổ phiếu có tiềm năng sinh lợi cao, ngược lại giảm tỷ trọng các cổ phiếu ít tiềm năng hơn, từ đó, tạo ra danh mục có lợi nhuận vượt trội hơn so với chiến lược đầu tư thụ động.
Về mặt lý thuyết, beta vượt trội là sự kết hợp những tính chất của chiến lược đầu tư thụ động và chiến lược đầu tư năng động.
Ví dụ chiến lược beta vượt trội
Giả định nhà đầu tư tin rằng trong dài hạn, những cổ phiếu với P/E thấp có khuynh hướng tạo ra tỷ suất sinh lợi cao hơn so với trung bình toàn thị trường. Vận dụng lập luận này vào thị trường cổ phiếu, lấy chỉ số VN-Index làm đối chuẩn, nhà đầu tư này xây dựng danh mục đầu tư theo chiến lược beta vượt trội như sau:
Mua toàn bộ cổ phiếu thành phần của VN-Index và nắm giữ dài hạn, tỷ trọng xác định theo quy tắc: P/E càng thấp thì tỷ trọng càng cao theo tỷ lệ tương ứng.
Để đơn giản cho mục đích minh họa, giả định VN-Index chỉ có 5 cổ phiếu thành phần A, B, C, D và E; nhà đầu tư sẽ dùng P/E làm tham số để tính tỷ trọng danh mục như bảng dưới đây:
Chiến lược này khá giống với chiến lược đầu tư thụ động, nhưng chỉ số P/E được dùng để xác định tỷ trọng thay vì vốn hóa thị trường.
Cùng ví dụ trên, nhà đầu tư cũng có thể xác định tỷ trọng danh mục bằng các phương pháp khác, với điều kiện vẫn đảm bảo được nguyên tắc: “tăng tỷ trọng cổ phiếu có P/E thấp, giảm tỷ trọng cổ phiếu có P/E cao”. Dưới đây là một số ví dụ:
-
Chỉ đầu tư vào số lượng x cổ phiếu trong VN-Index có P/E thấp nhất. Giả định VN-Index có 500 cổ phiếu thành phần, chỉ đầu tư x = 50 cổ phiếu có P/E thấp nhất với tỷ trọng = 2%/mỗi cổ phiếu, tỷ trọng 400 cổ phiếu còn lại = 0%;
-
Xác định một ngưỡng giá trị chấp nhận được của P/E và chỉ mua những cổ phiếu có P/E thấp hơn giá trị này.
Một số yếu tố được sử dụng phổ biến trong chiến lược Beta vượt trội
Trong đầu tư, “yếu tố” được hiểu là một biến số hoặc đặc tính có tương quan cao với lợi nhuận cổ phiếu. Yếu tố cũng có thể được định nghĩa rộng hơn là bất kỳ biến số nào được nhà đầu tư tin là có giá trị trong việc xếp hạng cổ phiếu và dự đoán lợi nhuận, rủi ro trong tương lai. Dưới đây là 05 yếu tố được sử dụng phổ biến:
- Giá trị. Trong dài hạn, đầu tư vào những cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp có tỷ suất sinh lợi cao hơn so với những cổ phiếu đang được định giá cao. Yếu tố giá trị có thể đo lường bằng các số liệu có được từ báo cáo tài chính công ty như tỷ số P/E, cổ tức, thu nhập, dòng tiền, EBIT, EBITDA.
- Vốn hóa. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có khuynh hướng tăng giá nhiều hơn so với cổ phiếu vốn hóa lớn.
- Độ biến động. Tăng tỷ trọng cho các cổ phiếu có rủi ro thấp có thể giúp cải thiện lợi nhuận trên rủi ro của danh mục.
- Chất lượng. Các công ty có chất lượng tốt thì theo thời gian giá cổ phiếu sẽ tăng lên để phản ánh giá trị tương ứng. Một số tiêu chí cơ bản về chất lượng: khả năng sinh lời cao, lợi nhuận ổn định, tỷ lệ đòn bẩy thấp.
- Quán tính giá. Các cổ phiếu tăng giá mạnh gần đây có xu hướng tiếp tục tăng giá theo đà trong ngắn hạn.
Thực tế, có hàng trăm yếu tố đã được xác định và sử dụng trong xây dựng danh mục đầu tư theo beta vượt trội. Ngoài ra, còn có thể kết hợp các yếu tố khác để tạo ra nhiều chiến lược beta vượt trội khác nhau.
Ưu nhược điểm của chiến lược beta vượt trội
Beta vượt trội có một số ưu điểm của chiến lược đầu tư thụ động như: tính minh bạch, chi phí giao dịch và chi phí giám sát thấp. Đồng thời, beta vượt trội cũng có các ưu điểm của chiến lược đầu tư năng động như: lợi nhuận tiềm năng cao hơn trung bình toàn thị trường, hướng phát triển thuật toán giao dịch rất đa dạng tùy theo hiểu biết và sở thích của mỗi nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc xác định các yếu tố và các quy tắc ban đầu trong chiến lược beta vượt trội có thể rất phức tạp, đòi hỏi kỹ năng kiểm thử dữ liệu quá khứ cũng như kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm về phân tích tài chính. Bên cạnh đó, các yếu tố thường dùng trong chiến lược beta vượt trội đến từ dữ liệu báo cáo tài chính doanh nghiệp, mà ở thị trường Việt Nam, để có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ, chính xác, và chi tiết của tất cả công ty niêm yết có thể là một trở ngại rất lớn ban đầu của hầu hết các nhà đầu tư muốn theo đuổi chiến lược này.
Ứng dụng trong giao dịch thuật toán tại Việt Nam
Ngày nay, với sự hỗ trợ của hệ thống máy tính, việc tính toán các chỉ số tài chính của tất cả cổ phiếu trên thị trường Việt Nam đã trở nên rất dễ dàng. Ngoài các chỉ số phổ biến như P/E, ROE, v.v. nhà đầu tư còn có thể tùy biến các chỉ số khác theo nhu cầu. Ví dụ, chỉ số [Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn/Tổng doanh thu 04 quý gần nhất] phản ánh tỷ lệ doanh thu chắc chắn được ghi nhận trong 04 quý tiếp theo. Trong cùng điều kiện, chỉ số này càng cao càng thể hiện sự chắc chắn và ổn định của doanh nghiệp.
Một thuật toán theo chiến lược beta vượt trội có thể bao gồm nhiều chỉ số tùy biến như trên với trọng số khác nhau tùy theo nhu cầu.
Lưu ý chiến lược beta vượt trội cần hạn chế giao dịch hoặc tái cơ cấu danh mục quá thường xuyên nhằm đảm bảo tính bị động của danh mục.