Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Đăng lúc 1710901691,84685

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai phương pháp phổ biến được sử dụng trong đầu tư chứng khoán để đánh giá tiềm năng của công cụ tài chính và đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, hai phương pháp này có những điểm khác biệt cơ bản về cách tiếp cận và mục tiêu.

Phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis - FA) là việc đánh giá các thông tin có sẵn công khai và xây dựng các mô hình định giá để ước tính giá giá trị nội tại của một tài sản.

Trong đầu tư cổ phiếu, phân tích cơ bản là việc tiến hành đánh giá chi tiết về mô hình kinh doanh, tình hình tài chính và các yếu tố kinh tế vĩ mô, ngành ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Mục tiêu của quá trình này là xác định những công ty có triển vọng tốt hơn so với giá thị trường hiện tại đang phản ánh. Bên cạnh đó, các nhà phân tích hoặc quản lý đầu tư xây dựng các mô hình định giá nhằm ước tính giá trị nội tại của doanh nghiệp. Nếu giá thị trường cổ phiếu đang thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại ước tính, nhà quản lý sẽ cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu đó trong danh mục đầu tư. 

Phân tích cơ bản bao gồm một phần hoặc toàn bộ quá trình sau:

  • Phân tích công ty
    • Xác định mô hình kinh doanh: Hiểu rõ cách thức công ty tạo ra doanh thu, lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của họ.

    • Phân tích số liệu báo cáo tài chính: Sử dụng các tỷ số tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính và khả năng sinh lời của công ty.

    • Phân tích ban lãnh đạo: Đánh giá kinh nghiệm và năng lực của đội ngũ lãnh đạo công ty.

  • Phân tích ngành và đối thủ cạnh tranh
    • Xác định đối thủ cạnh tranh chính của công ty: Xác định những công ty có sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự và đánh giá năng lực cạnh tranh của họ.

    • Phân tích xu hướng ngành: Xác định các xu hướng tăng trưởng, thay đổi trong ngành và ảnh hưởng của chúng đến công ty.

  • Dự báo. Sử dụng các mô hình dự báo và dữ liệu lịch sử để dự báo doanh thu, chi phí và dòng tiền trong tương lai.

  • Định giá cổ phiếu. Sử dụng các mô hình định giá như chiết khấu dòng tiền, chiết khấu cổ tức, mô hình tỷ số giá trên thu nhập nhằm xác định giá trị nội tại của cổ phiếu.

Phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis - TA) là một phương pháp dự đoán xu hướng giá của tài sản trong tương lai dựa trên dữ liệu lịch sử về giá và khối lượng giao dịch. Nhà phân tích kỹ thuật sử dụng nhiều loại biểu đồ, đồ thị, chỉ báo và mẫu hình khác nhau để xác định các điểm mua bán tiềm năng.

Phân tích kỹ thuật dựa trên logic cơ sở:

  • Cung và cầu quyết định giá cả.

  • Những thay đổi về cung và cầu - cả về mức giá và khối lượng - gây ra những thay đổi về giá.

  • Hành động giá trong quá khứ có thể được sử dụng để dự đoán xu hướng giá trong tương lai.

Với logic trên, phương pháp này có thể áp dụng cho bất kỳ công cụ tài chính nào (cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ, hợp đồng tương lai, v.v.) miễn sao nó được giao dịch trong một hệ thống thị trường tự do. Thị trường tự do được hiểu là thị trường nơi người mua và người bán tự nguyện giao dịch với nhau mà không có sự can thiệp hay cản trở từ bên ngoài và giá cả được thiết lập dựa trên sự tương tác giữa cung và cầu theo thời gian thực. 

Tuy nhiên, nhìn chung, phân tích kỹ thuật hiệu quả nhất đối với thị trường có tính thanh khoản cao. Bởi vì thị trường thanh khoản cao có lượng giao dịch lớn, dẫn đến việc có nhiều dữ liệu hơn để phân tích, giúp tăng độ chính xác của dự đoán. Bên cạnh đó, trong thị trường thanh khoản cao, giá cả ít bị ảnh hưởng bởi các giao dịch nhỏ lẻ. Điều này giúp các tín hiệu kỹ thuật rõ ràng và dễ nhận biết hơn, giảm thiểu độ nhiễu và tăng độ tin cậy của phân tích.

Các công cụ chính được sử dụng trong phân tích kỹ thuật:

  • Biểu đồ: Đây là những hình ảnh thể hiện dữ liệu về giá và khối lượng giao dịch theo thời gian. Các loại biểu đồ phổ biến bao gồm biểu đồ đường (line chart), biểu đồ nến (candlestick chart) và biểu đồ hình thanh (bar chart). Chúng giúp nhà giao dịch hình dung về biến động giá lịch sử và nhận dạng các mẫu hình như vai đầu vai (Head and Shoulders), mẫu hình kim cương (Diamond Pattern, mẫu hình cốc tay cầm (Cup and Handle), v.v. 

  • Chỉ báo: Chỉ báo là những công cụ phân tích kỹ thuật được xây dựng dựa trên các công thức toán học. Chúng sử dụng dữ liệu giá cả và khối lượng giao dịch được hiển thị trên biểu đồ để cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin chi tiết về xu hướng thị trường, động lực (momentum) và những tín hiệu đảo chiều tiềm ẩn. Một số chỉ báo kỹ thuật phổ biến: Relative Strength Index (RSI), Moving Average Convergence Divergence (MACD), Bollinger Bands, v.v.

Các điểm khác biệt giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Một trong những điểm khác biệt chính giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản là dữ liệu mà các nhà phân tích sử dụng. Nhà phân tích kỹ thuật chủ yếu dựa vào dữ liệu giá và khối lượng giao dịch. Đây được coi là dữ liệu khách quan vì chúng phản ánh các giao dịch thực tế trên thị trường. Nhà phân tích cơ bản chủ yếu sử dụng dữ liệu báo cáo tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo tài chính không hoàn toàn là dữ liệu khách quan vì chúng chứa đựng nhiều ước tính và giả định kế toán trong quá trình tổng hợp. Ngoài ra, báo cáo tài chính có khả năng bị gian lận. Ví dụ, doanh nghiệp có thể che giấu khoản lỗ hoặc phóng đại lợi nhuận, khi đó, dữ liệu trong báo cáo tài chính không có ý nghĩa phân tích. 

Dù sử dụng dữ liệu hay phương pháp nào thì nhà phân tích đều phải đưa ra những đánh giá và dự đoán dựa trên thông tin quá khứ thu thập được. Vậy nên cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đều có yếu tố chủ quan của người sử dụng. Nhà phân tích kỹ thuật phải diễn giải các biểu đồ giá và chỉ báo kỹ thuật, điều này đòi hỏi họ phải có khả năng nhận biết mẫu hình và đưa ra phán đoán về xu hướng thị trường tương lai. Nhà phân tích cơ bản cũng phải đưa ra đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp, triển vọng tăng trưởng và các yếu tố rủi ro khác, dựa trên các thông tin trong báo cáo tài chính và các nguồn khác.

Phân tích kỹ thuật đòi hỏi ít kiến thức chi tiết về các công cụ tài chính hơn so với phân tích cơ bản. Trong đầu tư cổ phiếu, nhà phân tích kỹ thuật có thể chỉ tập trung vào việc phân tích biểu đồ giá, khối lượng giao dịch và các chỉ báo kỹ thuật để xác định xu hướng giá, mức hỗ trợ/kháng cự và tín hiệu mua/bán mà không cần hiểu biết nhiều về hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà đầu tư hoàn toàn bỏ qua việc tìm hiểu về công ty. Thị trường luôn biến động và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Do đó, ngay cả khi sử dụng phân tích kỹ thuật, việc hiểu biết về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và các yếu tố rủi ro của công ty vẫn cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.

Tóm tắt các khác biệt chính giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật:

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trong giao dịch thuật toán

Cả hai phương pháp phân tích đều có thể hỗ trợ nhà giao dịch thuật toán trong việc hình thành giả thuyết thuật toán mà không mâu thuẫn với nhau. Phân tích cơ bản nhằm trả lời câu hỏi mua loại chứng khoán nào, giúp nhà giao dịch thuật toán xây dựng chiến lược lựa chọn cổ phiếu và xác định tỷ trọng của từng cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Phân tích kỹ thuật được sử dụng để xây dựng chiến lược mở vị thế, chốt lời và cắt lỗ. Các yếu tố này đều là thành tố quan trọng trong việc hình thành một thuật toán giao dịch. Tuy nhiên, tuỳ theo mục tiêu đầu tư dài hạn hay lướt sóng ngắn hạn mà nhà giao dịch thuật toán linh hoạt sử dụng phân tích cơ bản hoặc/và phân tích kỹ thuật trong việc hình thành giả thuyết thuật toán.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, một mô hình định giá theo phương pháp phân tích cơ bản hoặc một chỉ báo kỹ thuật có thể hữu dụng trong thị trường này nhưng không chắc chắn hữu dụng cho mọi thị trường và mọi thời điểm. Bất kể sử dụng phương pháp nào, nhà giao dịch thuật toán vẫn nên thực hiện đầy đủ các bước kiểm thử và tối ưu hóa để có đủ cơ sở khoa học và tự tin trước khi áp dụng thuật toán vào giao dịch thực tế.

Sử dụng phương pháp phân tích cơ bản có thể khiến nhà giao dịch thuật toán gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu. Phân tích cơ bản chủ yếu sử dụng dữ liệu báo cáo tài chính. Tuy nhiên, dữ liệu báo cáo tài chính thường có những vấn đề sau:

  • Chất lượng dữ liệu:

    • Tính chính xác: Báo cáo tài chính có thể bị thao túng hoặc sai sót do nhiều nguyên nhân.

    • Tính đầy đủ: Một số doanh nghiệp có thể không công bố đầy đủ thông tin tài chính, hoặc công bố thông tin không chính xác.

    • Tính so sánh: Các doanh nghiệp có thể sử dụng các phương pháp kế toán khác nhau hoặc chuẩn mực kế toán được thay đổi qua nhiều giai đoạn lịch sử, khiến việc so sánh dữ liệu trở nên khó khăn.

  • Khả năng tiếp cận:

    • Dữ liệu tài chính có thể được công bố ở nhiều định dạng khác nhau, khiến việc thu thập và phân tích dữ liệu trở nên khó khăn.

    • Việc thu thập dữ liệu tài chính có thể tốn kém, đặc biệt là đối với dữ liệu lịch sử hoặc dữ liệu của các doanh nghiệp không niêm yết.

    • Báo cáo tài chính có thể không được giải thích đầy đủ, khiến việc hiểu và sử dụng dữ liệu trở nên khó khăn. Việc phân tích dữ liệu tài chính đòi hỏi nhà giao dịch thuật toán có kiến thức chuyên môn về kế toán và tài chính.

So với phân tích cơ bản, dữ liệu trong phân tích kỹ thuật dễ thu thập và xử lý hơn. Tuy nhiên, dữ liệu giá và khối lượng theo tick vẫn đòi hỏi tính toàn vẹn. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tính toàn vẹn có thể đạt được trên thị trường chứng khoán phái sinh nhưng có thể còn rất nhiều thiếu sót trên dữ liệu chứng khoán cơ sở.

Lưu ý, một trong những bản chất khác biệt nhất trong giao dịch thuật toán ứng dụng phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đó là các giả định của phân tích cơ bản có thể giải thích trong một chừng mực nào đó khác với các giả định rất khó để chứng minh của phân tích kỹ thuật. Ví dụ như lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh thường là dấu hiệu tốt tuy nhiên giá cổ phiếu tăng vượt đỉnh thì có phải là dấu hiệu tốt hay không thì rất khó để giải thích một cách khoa học mà chỉ có thể dựa vào thống kê và mô hình. Do đó, hiểu rõ bản chất của giả định trước khi hình thành giả thuyết thuật toán nên là thói quen của nhà giao dịch thuật toán.