16. Chiến lược: Hướng sự kiện

Đăng lúc 1652115680,15

Chiến lược hướng sự kiện là gì

Hướng sự kiện (event-driven) là chiến lược tập trung tìm kiếm những khoản lợi nhuận từ việc định giá không hợp lý ở những công ty sẽ hoặc đã diễn ra các sự kiện lớn như mua bán và sáp nhập, phá sản, phát hành/mua lại cổ phần, tái cấu trúc vốn, trả cổ tức bất thường. Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu các tình huống xoay quanh các sự kiện này và đánh giá chúng sẽ tác động như thế nào tới giá cổ phiếu công ty để xác định các cơ hội tiềm năng có thể xuất hiện và tận dụng chúng.

Hiệu quả của chiến lược này phụ thuộc lớn vào khả năng nắm bắt thông tin, phân tích và đánh giá của nhà đầu tư.

Gần đây, chiến lược hướng sự kiện còn bao gồm định giá sau thay đổi vĩ mô có tác động lớn trên toàn thế giới cũng như các thảm họa tự nhiên ở các khu vực khác nhau.

Ví dụ áp dụng chiến lược hướng sự kiện trong sự kiện mua bán và sáp nhập

Kinh doanh chênh lệch giá liên quan đến hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) là một trong những ví dụ phổ biến của chiến lược hướng sự kiện (hình 05).

Giả định có một sự kiện M&A như sau: bên mua đề xuất mua cổ phiếu công ty mục tiêu với một mức giá hợp lý (giá chờchào mua) và mức giá này đang cao hơn giá thị trường.

Chiến lược giao dịch: nếu tin rằng thương vụ sẽ diễn ra đúng như đã thông báo, nhà đầu tư sẽ mua vào cổ phiếu của công ty mục tiêu và bán khi thương vụ kết thúc.

 

 

Ví dụ áp dụng chiến lược hướng sự kiện trong sự kiện vĩ mô toàn cầu

Nga và Ukraine đều là hai nước xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. Khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine được xác định sẽ kéo dài, nhà đầu tư sẽ nhận thấy tình trạng suy giảm nguồn cung trong ngắn hạn, tạo động lực tăng giá cho các công ty sản xuất, xuất khẩu lúa mì và lúa gạo. Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội này để tạo ra lợi nhuận.

Diễn biến giá cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HOSE: NSC) hết sức tích cực trong xu hướng giảm của thị trường chung có thể đã phản ánh một phần của sự kiện này (xem hình 06).

 

 

Rủi ro chiến lược hướng sự kiện

Đánh giá thiếu chính xác mức độ ảnh hưởng của sự kiện là nguyên nhân phổ biến nhất gây thua lỗ cho nhà đầu tư theo chiến lược này. Ngoài ra, một nguyên nhân ít phổ biến hơn nhưng có thể gây thua lỗ rất lớn là sự can thiệp của bên thứ ba– những tổ chức quyền lực như chính phủ Mỹ hay chính phủ Trung Quốc. Các hành động có thể thay đổi toàn bộ tính toán của nhà đầu tư như thay đổi chính sách, xả kho hàng dự trữ hoặc cấm vận, v.v.

Ngoài ra, trong nội tại công ty cũng có thể xảy ra các sự kiện ngoài mong đợi như: sự kiện M&A không thể diễn ra bởi một vài lý do như: các cổ đông của công ty mục tiêu không chấp thuận, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không chấp thuận và không cấp giấy phép, thương vụ thật sự đã diễn ra nhưng cần thời gian chờ hoàn thành các thủ tục pháp lý, đến khi cổ phiếu chuyển đổi xong và được phép giao dịch thì giá đã giảm trở lại và nhà đầu tư không còn lợi nhuận.