Mỗi cá nhân đều có mục tiêu khác nhau khi tham gia đầu tư. Mục tiêu đầu tư có thể là bảo toàn vốn cho nghỉ hưu, tăng trưởng vốn hay tạo ra dòng thu nhập đều đặn để chi trả cho các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn, v.v. Xác định rõ ràng mục tiêu đầu tư là bước nền tảng cho việc xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả, phù hợp với từng cá nhân.
Mục tiêu đầu tư định tính khi định lượng bao gồm hai yếu tố chính là mục tiêu lợi nhuận và mức chịu rủi ro. Hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các chiến lược đầu tư có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn thường đi kèm với rủi ro cao hơn. Do đó, nhà đầu tư cần cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và mức chịu rủi ro để lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp. Ngoài ra, mục tiêu lợi nhuận và mức chịu rủi ro của nhà đầu tư phải được xem xét trong bối cảnh bị tác động của các yếu tố ràng buộc riêng biệt của từng nhà đầu tư như quy mô vốn đầu tư, thời hạn đầu tư và nhu cầu thanh khoản. Các yếu tố này tác động trực tiếp đến mức chịu rủi ro của nhà đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến cả mục tiêu lợi nhuận.
Nhìn chung, để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp với mỗi nhà đầu tư, cần xem xét 05 yếu tố sau:
-
Mục tiêu lợi nhuận;
-
Mức chịu rủi ro;
-
Quy mô vốn đầu tư;
-
Thời hạn đầu tư; và
-
Nhu cầu thanh khoản.
Mục tiêu lợi nhuận (Return Objective)
Mục tiêu lợi nhuận là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà nhà đầu tư mong muốn thu được từ khoản đầu tư của họ để đạt được mục tiêu tài chính trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu lợi nhuận có thể được thể hiện bằng nhiều cách, bao gồm:
-
Tỷ lệ phần trăm trung bình trong một khoảng thời gian. Ví dụ, Tăng trưởng vốn trung bình 15%/năm trong vòng 3 năm.
-
Số tiền cụ thể. Ví dụ, Đạt được lợi nhuận 10 tỷ đồng trong năm nay trên số vốn đầu tư 100 tỷ đồng.
-
So sánh với các đối chuẩn. Ví dụ, Tỷ suất sinh lợi trung bình cao hơn 7% so với chỉ số VNIndex.
Mục tiêu lợi nhuận đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư. So sánh lợi nhuận thực tế đạt được với mục tiêu lợi nhuận giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ hiệu quả của các chiến lược đầu tư đã triển khai. Khi lợi nhuận thực tế không đạt được mục tiêu, nhà đầu tư có thể điều chỉnh chiến lược đầu tư cho phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Lưu ý, mục tiêu lợi nhuận có tính phù hợp với thực tiễn. Một mục tiêu lợi nhuận phi thực tế như 100% mỗi năm có thể dẫn đến các chiến lược vô cùng mạo hiểm cùng với rủi ro mất trắng toàn bộ tài sản.
Mức chịu rủi ro (Risk Tolerance)
Mức chịu rủi ro thể hiện mức độ biến động giá trị tài sản mà nhà đầu tư sẵn sàng và có khả năng chấp nhận để đạt được mục tiêu tài chính. Nói cách khác, nó phản ánh mức độ chịu đựng rủi ro thua lỗ của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư.
Mức chịu rủi ro của nhà đầu tư phụ thuộc vào hai yếu tố:
-
Mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro là mức độ thoải mái về mặt tâm lý của nhà đầu tư đối với khả năng mất tiền. Nó liên quan đến thái độ của họ đối với sự không chắc chắn và những kết quả tiêu cực tiềm ẩn. Nói cách khác, mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro là giới hạn chịu đựng về mặt tâm lý của nhà đầu tư.
-
Khả năng chịu rủi ro là mức thua lỗ tối đa mà một nhà đầu tư có thể chấp nhận được, xác định dựa trên tình hình tài chính thực tế của họ. Điều này đảm bảo rằng thua lỗ không gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và khả năng đạt được mục tiêu đầu tư.
Mức chịu rủi ro là sự cân bằng giữa mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và khả năng chịu rủi ro. Nếu mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn đáng kể so với khả năng chịu rủi ro, nhà đầu tư lưu ý lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp với khả năng chịu rủi ro thực tế. Ngược lại, nếu khả năng chịu rủi ro cao hơn đáng kể so với mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư lưu ý có thể đã bỏ lỡ cơ hội sinh lời do chọn chiến lược đầu tư quá an toàn.
Quy mô vốn đầu tư (Capital Size)
Quy mô vốn đầu tư tác động đến các quyết định đầu tư theo nhiều khía cạnh khác nhau. Vốn đầu tư quá nhỏ có thể hạn chế các lựa chọn tài sản mà nhà đầu tư có thể tiếp cận, do một số tài sản đòi hỏi mức vốn tối thiểu để tham gia. Ngoài ra, vốn đầu tư nhỏ cũng hạn chế khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro.
Một số chiến lược đầu tư chỉ có thể mang lại hiệu quả tối ưu với số vốn hạn chế. Việc sử dụng vốn quá lớn cho những chiến lược này có thể dẫn đến kết quả không như mong đợi. Cần đánh giá kỹ lưỡng tính phù hợp của chiến lược đầu tư với quy mô vốn hiện có để đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Với quy mô vốn quá lớn, nhà đầu tư có khả năng cao phải đối mặt với nguy cơ trượt giá khi thực thi giao dịch. Khi đó, việc xây dựng các thuật toán thực thi tối ưu hoá chi phí giao dịch phù hợp với từng loại chiến lược đầu tư cũng sẽ tác động lớn tới hiệu suất đầu tư.
Quy mô vốn cũng gián tiếp ảnh hưởng đến phí giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư với quy mô vốn lớn có thể có cơ hội thương lượng mức phí giao dịch thấp hơn nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất đầu tư.
Thời hạn đầu tư (Time Horizon)
Thời hạn đầu tư là khoảng thời gian nhà đầu tư dự định nắm giữ khoản đầu tư của mình trước khi cần sử dụng đến tiền. Thời hạn đầu tư có thể ngắn hạn (dưới 1 năm), trung hạn (1 đến 5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm).
Nhà đầu tư có thể đồng thời theo đuổi nhiều mục tiêu tài chính khác nhau, mỗi mục tiêu tương ứng với một thời hạn đầu tư riêng biệt. Với thời hạn đầu tư dài hạn, nhà đầu tư có khả năng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn vì họ có nhiều thời gian để vượt qua những biến động ngắn hạn của thị trường và có tiềm năng phục hồi sau thua lỗ. Ngược lại, thời hạn đầu tư ngắn hạn đòi hỏi chiến lược đầu tư thận trọng, ưu tiên tính thanh khoản.
Trong thực tiễn, thời hạn đầu tư dưới 3 năm thường cho kết quả khá ngẫu nhiên tùy theo biến động thị trường. Mức độ sinh lời sẽ ổn định hơn các thời hạn đầu tư trên 5 năm.
Nhu cầu thanh khoản (Liquidity Needs)
Nhu cầu thanh khoản đề cập đến mức độ mà nhà đầu tư cần chuyển đổi các khoản đầu tư của họ thành tiền mặt. Nhà đầu tư có nhu cầu thanh khoản cao là những người cần tiền mặt từ các khoản đầu tư của họ thường xuyên hoặc trong thời gian ngắn. Ví dụ, những người sắp nghỉ hưu có thể có nhu cầu thanh khoản cao vì họ sẽ cần tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt. Hoặc, các doanh nghiệp có thể có nhu cầu thanh khoản cao nếu họ cần tiền mặt để trang trải các khoản chi phí kinh doanh bất ngờ. Ngược lại, nhà đầu tư có nhu cầu thanh khoản thấp là những người không cần tiền mặt từ các khoản đầu tư của họ thường xuyên hoặc trong thời gian ngắn.
Mức độ thanh khoản của mỗi loại tài sản đầu tư là khác nhau – Thanh khoản đề cập đến khả năng chuyển đổi tài sản đầu tư thành tiền mặt một cách dễ dàng và nhanh chóng mà không ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của nó. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu thanh khoản cá nhân và hiểu rõ đặc điểm thanh khoản của từng loại tài sản để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp và hiệu quả.