Phân khúc cổ phiếu

Đăng lúc 1721189083,314152

Cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong đầu tư toàn cầu và là thành phần thiết yếu trong nhiều danh mục đầu tư. Đầu tư vào cổ phiếu mang lại cơ hội hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp, cùng với quyền sở hữu cổ phần trong nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế, quy mô và khu vực khác nhau. Các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán thường có tính thanh khoản cao, giúp thực hiện giao dịch với chi phí thấp hơn so với các loại tài sản khác.

Cổ phiếu mang lại nhiều lợi ích cho danh mục đầu tư của cả tổ chức lẫn cá nhân, bao gồm việc tăng giá trị vốn, đa dạng hoá với các lớp tài sản khác và khả năng bảo vệ chống lại lạm phát. Ngoài ra, một số tiêu chí đầu tư chuyên biệt khác cũng góp phần phân loại danh mục đầu tư.

Lợi ích của cổ phiếu

Tăng trưởng vốn. Đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết có thể mang lại sự tăng trưởng vốn đáng kể. Khi các công ty này phát triển và mở rộng hoạt động, lợi nhuận theo đó cũng tăng lên. Các nhà đầu tư sở hữu cổ phần trong những công ty thành công sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng tài chính của công ty đó. Giá cổ phiếu thường chịu ảnh hưởng của nhu cầu và tâm lý thị trường. Tin tức tích cực về công ty hoặc nền kinh tế tổng thể mạnh có thể thu hút thêm nhà đầu tư, dẫn đến việc tăng giá cổ phiếu. Ngược lại, tin tức tiêu cực có thể làm giảm giá cổ phiếu. Việc hiểu đúng động lực thị trường là rất quan trọng để đạt được sự tăng trưởng vốn. Lịch sử cho thấy, cổ phiếu đã mang lại những lợi tức lâu dài cao nhất so với nhiều lớp tài sản khác trên toàn cầu.

Thu nhập từ cổ tức. Một số công ty phân phối cổ tức hàng năm cho cổ đông, đại diện cho một phần lợi nhuận của họ. Sở hữu cổ phiếu có cổ tức có thể tạo ra nguồn thu nhập đáng tin cậy. Một số công ty chọn chia sẻ dòng tiền dưới dạng cổ tức thay vì tái đầu tư vào các dự án, đặc biệt khi không có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Mặc dù các tập đoàn lớn thường có xu hướng tăng cổ tức theo thời gian, không có gì đảm bảo rằng các khoản thanh toán này sẽ tiếp tục tăng trưởng hoặc được duy trì.

Đa dạng hoá. Cổ phiếu thường có xu hướng hoạt động khác biệt so với các loại tài sản khác như trái phiếu hoặc bất động sản. Ví dụ, khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn, danh mục đầu tư cổ phiếu có thể vẫn đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Đầu tư vào cổ phiếu giúp phân bổ vốn vào nhiều ngành và công ty khác nhau. Mặc dù cổ phiếu thường cho thấy mối tương quan cao về lợi nhuận, việc kết hợp chúng với các loại tài sản khác giúp tạo ra một danh mục đầu tư được điều chỉnh theo rủi ro. Mặc dù đa dạng hoá không thể hoàn toàn ngăn chặn tổn thất có thể xảy ra, nhưng nó giúp nâng cao khả năng bảo toàn vốn.

Phòng ngừa lạm phát. Một số công ty hoặc ngành có cầu không co giãn với hàng hoá và dịch vụ của họ có thể điều chỉnh giá bán tương ứng với lạm phát, như các ngành nguyên liệu thô, năng lượng và kim loại công nghiệp. Kết quả là doanh thu và lợi nhuận của họ có khả năng gia tăng. Sở hữu các cổ phiếu này cho phép nhà đầu tư tham gia vào sự tăng trưởng đó và bảo toàn sức mua. Ngoài ra, cổ phiếu thường có xu hướng tăng giá trị theo thời gian. Việc đa dạng hoá danh mục đầu tư cổ phiếu giúp bảo vệ chống lại sự hao mòn sức mua do lạm phát. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy có mối tương quan tích cực giữa lợi nhuận thực và lạm phát, mặc dù mối quan hệ này phụ thuộc vào khoảng thời gian đánh giá. Đáng chú ý, giá cổ phiếu thường là một chỉ báo dẫn đầu của chu kỳ kinh doanh, trong khi lạm phát thường là một chỉ báo có độ trễ.

Phân khúc cổ phiếu

Trong lĩnh vực đầu tư cổ phiếu niêm yết, có nhiều phương pháp để xây dựng danh mục đầu tư cổ phiếu, quỹ tương hỗ hoặc quỹ mở. Các nhà quản lý danh mục đầu tư thường phải phân loại cổ phiếu hoặc các ngành dựa trên những đặc điểm tương đồng. Việc phân loại này giúp cải thiện khả năng đánh giá và xây dựng danh mục cổ phiếu, đồng thời tối ưu hoá việc phân bổ vốn theo mục tiêu của danh mục đầu tư hoặc quỹ. Dưới đây là những phương pháp phân loại phổ biến nhất.

Phân khúc theo quy mô và phong cách đầu tư. Phương pháp phổ biến nhất để phân loại cổ phiếu là dựa trên vốn hoá thị trường (quy mô) và phong cách đầu tư. Theo quy mô, cổ phiếu thường được phân loại thành vốn hoá lớn, vốn hoá trung bình và vốn hoá nhỏ. Theo phong cách, cổ phiếu có thể được phân loại theo tăng trưởng, giá trị, hoặc cốt lõi (trung lập, không nghiêng về tăng trưởng hay giá trị). Bảng dưới đây sẽ nêu rõ các đặc điểm chính của từng phân loại theo quy mô và phong cách đầu tư.

Các nhà quản lý danh mục đầu tư nâng cao chiến lược đầu tư của khách hàng bằng cách phân loại cổ phiếu theo quy mô và phong cách đầu tư. Phương pháp này giúp cải thiện quá trình ra quyết định và xây dựng danh mục đầu tư bằng cách cân nhắc yếu tố  rủi ro và lợi nhuận giữa các phân khúc khác nhau. Ngoài ra, việc phân loại này tạo điều kiện cho sự đa dạng hoá trong các ngành và lĩnh vực kinh tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro tập trung liên quan đến việc đầu tư vào các quy mô và phong cách khác nhau.

Thông qua việc phân loại này, các nhà quản lý có thể phân tích cách đặc điểm của công ty thay đổi theo thời gian (ví dụ, việc chuyển từ vốn hoá nhỏ sang vốn hoá trung bình, hoặc từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị). Họ có thể điều chỉnh việc phân bổ vốn dựa trên sự thay đổi của điều kiện thị trường, sở thích của khách hàng, và các chuẩn so sánh. Ví dụ, một công ty đầu tư nhỏ có thể tập trung vào các công ty có vốn hoá trung bình và vốn hoá nhỏ, với mục tiêu vượt trội hơn so với một chỉ số đối chuẩn hoặc nhóm các quỹ tương hỗ tương đồng. Tuy nhiên, nhược điểm chính của phương pháp này là các danh mục phân loại có thể được định nghĩa khác nhau giữa các công ty đầu tư.

Phân khúc theo hoạt động kinh tế. Cổ phiếu có thể được nhóm thành các ngành và lĩnh vực dựa trên hoạt động kinh tế của chúng. Một số ví dụ bao gồm các lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khoẻ và tài chính.

Có hai phương pháp trong phân khúc này: phương pháp định hướng thị trường và phương pháp định hướng sản xuất. Trong phương pháp đầu tiên, các công ty được phân loại dựa trên các thị trường mà họ phục vụ, cách người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ, và cách dòng tiền được tạo ra. Điều này giúp làm sáng tỏ hành vi người tiêu dùng, động lực thị trường và các dòng doanh thu, từ đó nhà đầu tư có thể hiểu rõ các cơ hội tăng trưởng. Ngược lại, phương pháp định hướng sản xuất nhóm các công ty dựa trên các sản phẩm mà họ sản xuất và các yếu tố đầu vào cần thiết cho sản xuất. Ví dụ, các công ty sản xuất ô tô và các công ty sản xuất chất bán dẫn thuộc hai phân nhóm khác nhau. Phương pháp này có lợi thế trong việc so sánh các tương đồng về phương pháp sản xuất và cấu trúc chi phí của công ty, đồng thời cũng hữu ích trong việc đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng.

Có 4 hệ thống phân loại chính trên thế giới, bao gồm Chuẩn phân ngành toàn cầu (GICS) sử dụng phương pháp định hướng thị trường, trong khi Hệ thống phân loại ngành (ICB), Phân ngành kinh doanh theo Thomson Reuters (TRBC), và Phân ngành toàn cầu Russell (RGS) sử dụng phương pháp định hướng sản xuất. Mỗi hệ thống phân loại được chia thành 3-4 cấp độ như mô tả trong bảng dưới đây.

Nhìn chung, phân khúc theo hoạt động kinh tế mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Thứ nhất, việc đầu tư vào các ngành khác nhau giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân tán rủi ro tương ứng. Thứ hai, nhà đầu tư có thể chọn tập trung vào các ngành mà họ tin rằng sẽ vượt trội nhờ vào xu hướng hoặc triển vọng tăng trưởng. Thứ ba, việc quay vòng ngành cho phép điều chỉnh danh mục đầu tư dựa trên chu kỳ kinh tế, chẳng hạn việc ưu tiên các ngành phòng thủ trong thời kỳ suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, phương pháp này yêu đòi hỏi khả năng dự đoán thời điểm thị trường chính xác, điều này có thể khó khăn trong một số điều kiện thị trường nhất định. Một hạn chế khác là phương pháp này có thể dẫn đến hiện tượng bong bóng ngành, khi các nhà đầu tư theo đuổi các ngành nóng và vô tình đẩy giá trị của chúng lên cao, như đã xảy ra với bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990.

Phân khúc theo địa lý. Phân khúc theo địa lý là một yếu tố quan trọng đối với các quỹ đầu tư quốc tế và toàn cầu như iShares MSCI Frontier và Select EM ETF. Phương pháp này liên quan đến việc phân chia cổ phiếu dựa trên các khu vực hoặc quốc gia mà các quỹ này hoạt động. Bảng dưới đây minh họa 3 loại thị trường địa lý khác nhau.

Phân khúc theo địa lý mang lại những lợi ích quan trọng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và cận biên, nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và các xu hướng nhân khẩu học đặc thù. Nó cũng giúp mở rộng cơ hội tiếp cận các ngành cụ thể giữa các khu vực khác nhau, từ đó nâng cao khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, các hạn chế chính của phương pháp này bao gồm sự biến động cao hơn ở các thị trường mới nổi và cận biên, cùng với thanh khoản hạn chế, khiến việc mua hoặc bán các vị thế lớn mà không làm ảnh hưởng đến giá trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, rủi ro tiền tệ do biến động tỷ giá hối đoái cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các khoản đầu tư quốc tế, ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu suất đầu tư.

Mỗi phương pháp phân khúc đều có những lợi ích và rủi ro riêng, từ việc khai thác cơ hội trên các thị trường khác nhau đến việc quản lý sự biến động và thanh khoản. Việc áp dụng phương pháp phân khúc phù hợp sẽ giúp tối ưu hoá hiệu quả đầu tư và xây dựng danh mục đầu tư bền vững.