Chiến lược chênh lệch giá là gì
Chênh lệch giá (arbitrage) là chiến lược tận dụng sự khác biệt tạm thời về giá của cùng một loại tài sản ở hai thị trường khác nhau để giao dịch và thu được lợi nhuận mà không phải chịu nhiều rủi ro. Nhà đầu tư thực hiện chiến lược chênh lệch giá bằng cách mua tài sản ở thị trường đang có giá thấp, và đồng thời bán tài sản đó ở thị trường có giá cao hơn.
Chiến lược chênh lệch giá có liên quan chặt chẽ đến lý thuyết thị trường hiệu quả – lý thuyết này nói rằng thị trường hiệu quả một cách hoàn hảo khi mọi thông tin trong quá khứ và hiện tại liên quan đến tài sản sẽ được phản ánh một cách nhanh chóng và hợp lý vào giá. Nói cách khác, thị trường hiệu quả sẽ không có cơ hội để tận dụng kinh doanh chênh lệch giá.
Trong thực tế, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, thị trường luôn có những thời điểm không hiệu quả và nhờ vậy chiến lược chênh lệch giá được sử dụng rộng rãi và có lẽ là một trong những chiến lược giao dịch lâu đời nhất còn tồn tại.
Hai đặc điểm chính của chiến lược chênh lệch giá
Chỉ thực hiện khi có sự mất cân bằng về giá của tài sản. Đây là điều kiện quan trọng nhất của kinh doanh chênh lệch giá, có thể diễn ra dưới nhiều hình thức:
-
Cùng một tài sản nhưng đang được giao dịch với giá khác nhau trên hai thị trường khác nhau;
-
Hoặc, hai tài sản có dòng tiền kỳ vọng trong tương lai giống nhau nhưng đang được giao dịch ở các mức giá khác nhau.
Thực hiện giao dịch đồng thời. Việc mua và bán cùng một loại tài sản phải diễn ra cùng lúc; nếu thời điểm mua và thời điểm bán khác nhau quá nhiều, nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đáng kể.
Kinh doanh chênh lệch giá trong thực tiễn
Hiện chiến lược chênh lệch giá gần như không tồn tại ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cơ hội chênh lệch giá thường hiện hữu rõ ràng hơn trên thị trường ngoại hối, tiền số, và ở những cổ phiếu được giao dịch cùng lúc trên hai thị trường như Mỹ, châu Âu.
Trong nền tài chính hiện đại, cơ hội chênh lệch giá thường không tồn tại cho nhà đầu tư cá nhân mà chỉ dành cho các ngân hàng quốc tế với khả năng sử dụng và quy đổi liên tục nhiều loại ngoại tệ khác nhau.
Một ví dụ trong nền kinh tế đương đại về chênh lệch giá là đồng Bitcoin ở Hàn Quốc và phần còn lại của thế giới. Vào năm 2017, giá một bitcoin ở Hàn Quốc cao hơn trên thế giới đến 50%. Các cá nhân/tổ chức có thể mua bán liên tục một cách hợp pháp và kiếm được lợi nhuận cực kỳ lớn mà hoàn toàn không có rủi ro. Trên thực tế rất nhiều cá nhân/tổ chức biết đến cơ hội này nhưng hầu hết không thể tận dụng nó.
Tại Việt Nam, vào tháng 5/2022, văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN) với NYSE xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán đã được ký kết, có thể mở ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá ở cả hai thị trường. Đây là một dự án tiềm năng trong tương lai mặc dù đang được thống trị bởi các ngân hàng lớn trên thế giới.
Rào cản khi tiếp cận cơ hội kinh doanh chênh lệch giá
Các hệ thống đặt lệnh ngày càng phát triển, cùng với sự phát triển của giao dịch thuật toán – các hệ thống giao dịch tự động có khả năng nhận diện cơ hội và thực hiện giao dịch rất nhanh – dẫn đến thời gian tồn tại của các cơ hội kinh doanh chênh lệch giá diễn ra rất ngắn, đôi khi chỉ trong vài giây. Trong bối cảnh này, phương thức đặt lệnh truyền thống sẽ khó nắm bắt cơ hội để giao dịch kịp thời. Tuy nhiên, xét về tổng thể toàn thị trường, tốc độ giao dịch càng được cải thiện thì thị trường càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh vấn đề thời gian tồn tại của cơ hội kinh doanh chênh lệch giá, mức chênh lệch giá cũng là một yếu tố chính cần lưu ý. Nhà đầu tư chỉ có lợi nhuận nếu số tiền kiếm được từ chênh lệch giá nhiều hơn chi phí giao dịch.