Lý luận của chiến lược hồi quy trung vị
Xét trong khung thời gian một ngày hay thậm chí một tuần, giá trị nội tại của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn gần như không có gì thay đổi. Tuy nhiên trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, giá cổ phiếu thay đổi liên tục mỗi ngày, đôi khi dao động quanh giá trị nội tại, đôi khi cách rất xa giá trị nội tại.
Các nhà đầu tư theo đuổi chiến lược hồi quy trung vị cho rằng giá chứng khoán trong dài hạn sẽ hồi quy về xấp xỉ giá trị nội tại của doanh nghiệp, vì vậy, nếu giá cổ phiếu đang quá thấp so với giá trị nội tại, thì nên mở vị thế mua và ngược lại.
Hình 04 là đồ thị giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần FPT từ tháng 03/2022 đến 05/2022 (cập nhật tháng 03/2023). Giả sử rằng hoạt động kinh doanh không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong hai tháng qua, các nhà đầu tư theo chiến lược hồi quy trung vị sẽ tìm kiếm cơ hội qua sự phân kỳ giữa việc giá trị nội tại không thay đổi và việc giá cổ phiếu biến động 30%.
Giá trị nội tại là trọng tâm của chiến lược hồi quy trung vị
Chiến lược hồi quy trung vị rất trực quan cho nhiều nhà đầu tư: mua một cổ phiếu khi nghĩ rằng nó rẻ hơn giá trị nội tại và chốt lời đối với một cổ phiếu đã được định giá quá cao.
Nhưng làm thế nào để xác định đúng giá trị nội tại? Điều này nằm ngoài phạm vi của quyển sách này, mặc dù vậy,chúng tôi tin rằng các công thức tính toán giá trị nội tại rất dễ tìm kiếm nhưng để ước lượng được giá trị thích hợp, có thể mất rất nhiều năm kinh nghiệm. Trong chiến lược đầu tư này, giá trị nội tại sẽ định hình góc nhìn cho nhà đầu tư về bất kỳ cơ hội nào. Sau đây là hành động gợi ý cho ví dụ cổ phiếu FPT ở trên với góc nhìn khác nhau về giá trị nội tại:
Trong cùng một hoàn cảnh, tùy theo kết quả ước tính giá trị nội tại mà các nhà đầu tư sẽ có hành động hoàn toàn khác nhau.
Tóm lại, để thành thạo chiến lược hồi quy trung vị, nhà đầu tư cần phải có kỹ năng ước lượng giá trị trung bình hay giá trị nội tại.
Rủi ro của chiến lược hồi quy trung vị
Có rất nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô cùng lúc tác động tới giá trị nội tại của một doanh nghiệp. Bất kỳ thay đổi nào trong kinh tế vĩ mô, thị trường toàn cầu, chính sách của chính phủ, ngành kinh doanh, đối thủ cạnh tranh đều có thể tác động lớn đến giá trị nội tại của công ty. Tuy nhiên, những yếu tố này rất khó để đo lường và ước tính chính xác. Ước tính sai giá trị nội tại có thể dẫn đến việc mua cổ phiếu ở mức giá quá cao trong khi bán cổ phiếu ở mức giá thấp.
Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trong chiến lược hồi quy trung vị là, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà đầu tư vẫn có thể không bao giờ tìm ra cách tiếp cận phù hợp để tính toán giá trị nội tại.