Chiến lược quán tính giá (momentum) là gì
Trên thị trường chứng khoán, giá của một cổ phiếu luôn thay đổi do tác động đồng thời bởi hai lực cung và cầu. Khi cầu lớn hơn cung, giá sẽ bắt đầu có xu hướng tăng, ngược lại thì giá có chiều hướng giảm. Có nhiều lý do làm cho cung và cầu bị thay đổi, các lý do phổ biến có thể kể đến như: các tác động vĩ mô tích cực, tin tức tốt về doanh nghiệp, dòng tiền của các nhà đầu tư mới. Các yếu tố cơ bản này sẽ giúp cho cổ phiếu có động lực ban đầu để tăng giá (lực cầu lớn hơn cung).
Theo quan sát thực tế, các nhà phân tích đầu tư nhận thấy rằng một khi cổ phiếu bắt đầu tăng giá, đà tăng giá thường sẽ tiếp tục giữ nguyên trong một khoảng thời gian nhất định trước khi dừng lại hoặc quay đầu giảm. Quá trình này tương tự với khi dùng một lực tác động để tung một đồng xu lên không trung, nhờ lực tác động ban đầu mạnh hơn lực hút trái đất nên trong vài giây đầu tiên, đồng xu bắt đầu tăng tốc rất nhanh và di chuyển lên trên; sau đó, nhờ quán tính, đồng xu vẫn đi lên thêm được một đoạn nữa nhưng với tốc độ giảm dần trước khi quay đầu rơi xuống. Sự tương đồng này giúp cho một thuật ngữ phổ biến trong vật lý – quán tính (momentum) đã được áp dụng vào tài chính.
Trong bối cảnh tài chính nói chung, quán tính giá là tỷ lệ tăng/ giảm giá chứng khoán trong một khoảng thời gian – tốc độ thay đổi của giá, dùng để đo lường sức mạnh của một xu hướng.
Trong bối cảnh giao dịch thuật toán, quán tính giá là chiến lược tìm mua những cổ phiếu đang tăng giá (hoặc bán khống những cổ phiếu đang giảm giá) với lập luận rằng những cổ phiếu đã tăng giá đáng kể gần đây có xu hướng tiếp tục tăng giá theo đà trong ngắn hạn (hoặc ngược lại). Lập luận này đến từ niềm tin rằng một khi xu hướng được thiết lập và có động lực đủ mạnh, nó sẽ tiếp tục kéo dài thêm một khoảng thời gian đủ để giao dịch lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận.
Mục đích của chiến lược quán tính giá là mua cổ phiếu khi giá đã tăng và bán khi giá tăng nhiều hơn nữa (mua cao, bán cao hơn). Ngược lại với chiến lược quán tính giá là chiến lược hồi quy trung vị – khi giá cổ phiếu quá thấp so với giá trị nội tại hoặc giá trị trung bình của nó thì nên mua vào và ngược lại (mua thấp, bán cao).
Nguyên nhân tạo ra hiệu ứng quán tính giá
Có hai cách giải thích hợp lý hiệu ứng quán tính giá:
Giải thích đầu tiên đến từ các nghiên cứu về tài chính hành vi liên quan đến thiên kiến của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thường phản ứng thái quá trước những thông tin và sự kiện, dẫn đến việc gia tăng sức mạnh và kéo dài một xu hướng quá mức.
Thời điểm tiếp nhận và khả năng xử lý thông tin của mỗi nhà đầu tư không giống nhau. Khi có một sự kiện tích cực diễn ra, số ít nhà đầu tư sớm nhận ra tiềm năng sinh lợi của cổ phiếu và bắt đầu mua (khởi đầu xu hướng). Một số nhà đầu tư khác, tuy nhận ra cơ hội chậm hơn nhưng vẫn mua dù giá đã tăng cao (duy trì xu hướng tăng). Đều là kỳ vọng tích cực nhưng mức độ khác nhau và thời điểm hành động khác nhau, dẫn đến xu hướng tăng kéo dài một khoảng thời gian trước khi dừng lại và đảo chiều.
Rủi ro khi đầu tư theo chiến lược quán tính giá
Giao dịch theo chiến lược quán tính giá dựa trên giả định cơ bản: một xu hướng khi xuất hiện thì sẽ còn kéo dài đủ lâu để thực hiện xong một vị thế giao dịch. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo giả định này luôn đúng.
Các sự kiện, tin tức hàng ngày trực tiếp tác động tới tâm lý, kỳ vọng của các nhà đầu tư, từ đó tạo ra sự thay đổi cung và cầu, khởi đầu các xu hướng. Tuy nhiên, trong cùng một khoảng thời gian, không chỉ có một sự kiện diễn ra, tâm lý của các nhà đầu tư cũng thay đổi khó lường. Một xu hướng tăng vừa mới bắt đầu hoàn toàn có thể bị dập tắt ngay lập tức khi xuất hiện thêm một tin tức hay sự kiện vĩ mô khác tác động rất xấu tới tâm lý nhà đầu tư toàn thị trường.