Quy mô vị thế (position sizing) là số lượng cổ phiếu, hợp đồng hoặc đơn vị tài sản mà một nhà đầu tư quyết định mua hoặc bán trong một giao dịch cụ thể tại thời điểm có tín hiệu mở vị thế. Nói cách khác, đây là số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào một giao dịch dựa trên chiến lược và mức độ chấp nhận rủi ro của họ.
Chiến lược tối ưu quy mô vị thế là một thành phần quan trọng trong thuật toán giao dịch, trả lời cho các câu hỏi:
-
Tại thời điểm có tín hiệu mở vị thế, nên giải ngân bao nhiêu vốn? Cụ thể hơn, nên đầu tư toàn bộ vốn vào một lần giao dịch, hay phân chia vốn thành nhiều phần để tham gia nhiều giao dịch khác nhau tại các thời điểm có tín hiệu mở vị thế khác nhau.
-
Nếu phân chia vốn thành nhiều phần, tỷ lệ vốn được phân bổ bao nhiêu cho mỗi tín hiệu giao dịch.
Khi phát triển một thuật toán giao dịch, việc xác định chiến lược tối ưu quy mô vị thế và chiến lược phân bổ tài sản là hai thành phần không thể tách rời, đều liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn. Hai chiến lược này phân biệt nhau ở yếu tố thời gian. Chiến lược tối ưu quy mô vị thế quyết định bao nhiêu vốn được phân bổ cho mỗi giao dịch tại các thời điểm có tín hiệu mở vị thế khác nhau, còn chiến lược phân bổ tài sản quyết định tỷ lệ vốn được phân bổ cho từng loại chứng khoán tại một thời điểm mở vị thế.
Sau đây là một một ví dụ phân biệt chiến lược tối ưu quy mô vị thế và chiến lược phân bổ tài sản.
Một nhà giao dịch thuật toán đã phát triển một bộ tiêu chí để đánh giá sức mạnh của cổ phiếu. Với số vốn 100 triệu VNĐ, nhà giao dịch này áp dụng chiến lược mở vị thế mua dần trong 4 ngày liên tiếp, thay vì đầu tư toàn bộ vốn cùng lúc. Cụ thể, mỗi ngày sẽ sử dụng 25 triệu VNĐ (1/4 tổng vốn) để mua 2 cổ phiếu được đánh giá là mạnh nhất theo tiêu chí đã thiết lập, mỗi cổ phiếu được phân bổ đều 12.5 triệu VNĐ.
Chiến lược tối ưu quy mô vị thế thể hiện rõ qua việc chia nhỏ vốn để mở vị thế tại bốn thời điểm khác nhau. Chiến lược phân bổ tài sản được thể hiện qua việc tại mỗi thời điểm có tín hiệu mở vị thế, vốn được phân bổ cho hai loại cổ phiếu khác nhau theo phương pháp trọng số đều.
Tại sao chia nhỏ quy mô vị thế?
Thay vì đầu tư 100% vốn vào một giao dịch duy nhất, việc chia nhỏ quy mô vị thế có những lợi ích sau đây:
-
Giảm rủi ro: Thay vì đặt cược toàn bộ vốn vào một giao dịch, chia nhỏ quy mô vị thế giúp giảm thiểu mức độ thua lỗ nếu giao dịch không thành công. Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường chứng khoán biến động mạnh và có nhiều yếu tố khó dự đoán. Một chuỗi thua lỗ liên tiếp có thể dẫn đến tình trạng “cháy tài khoản” nếu sử dụng quy mô vị thế quá lớn. Chia nhỏ vị thế giúp bảo vệ vốn và đảm bảo nhà đầu tư có thể tiếp tục tham gia thị trường.
-
Tận dụng luật số lớn: Việc chia nhỏ quy mô vị thế gián tiếp làm tăng số lượng giao dịch, từ đó tận dụng được lợi thế của luật số lớn. Theo nguyên tắc này, khi số lượng giao dịch tăng lên đủ lớn, kết quả trung bình thực tế sẽ hội tụ về giá trị trung bình lý thuyết (kỳ vọng). Nói cách khác, nếu một chiến lược giao dịch có xác suất thắng cao hơn thua, việc thực hiện nhiều giao dịch hơn sẽ làm tăng khả năng đạt được lợi nhuận tổng thể dương và ổn định hơn trong dài hạn.
-
Thích ứng theo điều kiện thanh khoản thị trường: Trong thực tế giao dịch, không phải lúc nào cũng có nhiều cơ hội mở vị thế với mức giá lý tưởng. Trong bối cảnh thị trường có thanh khoản giao dịch thấp tương đối so với quy mô vốn, thuật toán giao dịch cần linh hoạt thích ứng bằng cách sử dụng một phần nhỏ vốn vừa đủ để mở vị thế, sau đó tiếp tục chờ đợi những tín hiệu mở vị thế tiếp theo.
Tóm lại, chiến lược chia nhỏ quy mô vị thế không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận, mà còn mang lại sự linh hoạt trong quản lý vốn cho các thuật toán giao dịch, đặc biệt là khi thị trường biến động hoặc có ít cơ hội giao dịch hấp dẫn.
Các chiến lược tối ưu quy mô vị thế
Dưới đây là một số chiến lược tối ưu quy mô vị thế phổ biến:
-
Quy mô vị thế với khối lượng cố định: Mua hoặc bán một số lượng cổ phiếu hoặc hợp đồng cố định tại mỗi tín hiệu mở vị thế, bất kể giá cả hay điều kiện thị trường.
-
Quy mô vị thế theo phần trăm vốn: Phân bổ một tỷ lệ phần trăm cố định của tổng vốn tại mỗi tín hiệu mở vị thế.
-
Quy mô vị thế theo độ tin cậy của tín hiệu giao dịch: Quy mô vị thế được điều chỉnh dựa trên mức độ tin cậy hoặc xác suất thành công của mỗi tín hiệu giao dịch. Ý tưởng đằng sau chiến lược này là đầu tư nhiều hơn vào các giao dịch có khả năng sinh lời cao và ít hơn vào các giao dịch có rủi ro cao hơn. Một ví dụ của hướng tiếp cận này là sử dụng tiêu chí Kelly. Đây là công thức toán học để tính toán quy mô vị thế tối ưu dựa trên xác suất thắng và tỷ số giữa lợi nhuận trung bình khi thắng và thua lỗ trung bình khi thua. Xem thêm về tiêu chí Kelly tại bài viết: Tiêu chí Kelly – định nghĩa và ứng dụng.
Không có một chiến lược tối ưu quy mô vị thế nào là hoàn hảo và phù hợp với tất cả mọi người. Nhà giao dịch cần phải thử nghiệm, đánh giá và điều chỉnh liên tục để tìm ra chiến lược tối ưu quy mô vị thế tối ưu. Việc kết hợp giữa kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm thực tế và sự linh hoạt trong ứng dụng sẽ giúp nhà giao dịch đạt được thành công trong thị trường tài chính đầy biến động.
Kết luận
Quy mô vị thế đóng vai trò then chốt trong giao dịch thuật toán. Việc lựa chọn chiến lược tối ưu quy mô vị thế phù hợp đòi hỏi không chỉ sự am hiểu về các nguyên tắc cơ bản như luật số lớn mà còn sự cân nhắc kỹ lưỡng về phong cách giao dịch, mức độ chấp nhận rủi ro và đặc điểm riêng của từng loại chiến lược đầu tư.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng quy mô vị thế chỉ là một mắt xích của thuật toán giao dịch hoàn chỉnh. Để đạt được thành công trong giao dịch thuật toán, nhà giao dịch cần xây dựng một quy trình toàn diện, bao gồm các yếu tố quan trọng khác như chiến lược lựa chọn chứng khoán, xác định điểm mở/đóng vị thế và chiến lược thực thi giao dịch.