Mẫu hình vai đầu vai

Đăng lúc 1719199186,292039

Mẫu hình vai đầu vai là một trong những mẫu hình phân tích kỹ thuật phổ biến trong giao dịch chứng khoán. Mẫu hình này giúp nhận diện sự đảo chiều của xu hướng giá, thường được sử dụng để dự đoán sự kết thúc của xu hướng tăng hoặc giảm. Trong giao dịch thuật toán, vai đầu vai là mẫu hình nhập môn kinh điển, là khởi điểm phù hợp cho những nhà giao dịch thuật toán mới tiếp cận với chiến lược giao dịch theo mẫu hình.

Mẫu hình vai đầu vai điển hình

Hình 01 dưới đây mô tả một mẫu hình vai đầu vai điển hình – đảo chiều một xu hướng tăng.

Trước khi hình thành mẫu hình vai đầu vai, xu hướng trước đó là một xu hướng tăng, được xác định bởi đường xu hướng. Sau đó, mẫu hình vai đầu được hình thành như sau:

  • Vai Trái (Left Shoulder): Giá có một đợt tăng mạnh với độ dốc lớn hơn đường xu hướng và thường kèm theo khối lượng giao dịch lớn. Sau khi tạo đỉnh tại mức giá E1, giá giảm trở lại mức giá E2, tạo thành Vai Trái. Khối lượng giao dịch trong đợt giảm thường thấp hơn so với đợt tăng.
  • Đầu (Head): Giá có đợt phục hồi đầu tiên sau đợt giảm của Vai Trái và tạo đỉnh mới tại mức giá E3. Khối lượng giao dịch của đợt phục hồi này thường thấp hơn so với đợt tăng giá của Vai Trái, biểu thị sự nhiệt tình mua vào ít hơn. Sau đó, tương tự với Vai Trái, giá giảm trở về mức giá E4 gần bằng với mức giá E2 trước đó, tạo thành Đầu. 

Đường nối hai đáy E2 và E4 được gọi là Đường Viền Cổ (Neckline).

Giá giảm xuống dưới đường xu hướng là tín hiệu đầu tiên cho thấy xu hướng có thể sắp kết thúc và một sự đảo chiều có thể sắp bắt đầu.

  • Vai Phải (Right Shoulder): Giá tiếp tục có đợt phục hồi lần hai lên tới mức giá E5 ngang với mức giá E1 (đỉnh Vai Trái), nhưng không thể vượt qua mức giá E3 (đỉnh Đầu). Khi giá cắt xuống dưới Đường Viền Cổ tạo thành mẫu hình vai đầu vai hoàn chỉnh, đó là một tín hiệu xác nhận sự đảo chiều xu hướng và bắt đầu xu hướng giảm.
  • Khối lượng giao dịch đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích mô hình vai đầu vai. Khi giá tăng để hình thành đỉnh E3 mà không đi kèm với khối lượng giao dịch tăng cao, điều này cho thấy lực mua đang suy yếu và sự tham gia của các nhà đầu tư lạc quan đang giảm dần. Trong phân tích kỹ thuật, tình huống một chỉ báo tạo ra đỉnh mới (hoặc đáy mới) trong khi chỉ báo khác ngược lại thì được gọi là phân kỳ. Trong trường hợp phân kỳ, Vai Phải sẽ có khối lượng giao dịch thậm chí còn thấp hơn so với Đầu, báo hiệu nhu cầu mua đang cạn kiệt và sắp bị áp đảo bởi lực bán. Ngoài ra, Khối lượng giao dịch lớn tại thời điểm giá cắt xuống dưới Đường Viền Cổ có thể giúp khẳng định thêm sức mạnh của xu hướng giảm, tăng thêm độ tin cậy của mẫu hình.

Trong thực tế, mẫu hình vai đầu vai hoàn hảo như mô tả ở trên rất hiếm gặp. Các biến thể thường thấy bao gồm xuất hiện hai đỉnh ở Vai hoặc Đầu, hoặc hai Vai có độ cao không bằng nhau. Chính những biến thể không hoàn hảo này khiến việc số hóa mẫu hình vai đầu vai trở nên khó khăn đối với các nhà giao dịch thuật toán. Tuy nhiên, dù là biến thể nào, mẫu hình vai đầu vai vẫn có các đặc điểm chính như đỉnh Đầu phải cao hơn so với hai đỉnh Vai (E3>E1 và E3>E5), và hai đỉnh Vai nên tương đối bằng nhau (E1≈E5). Ngoài ra, Đường Viền Cổ không nhất định phải tạo thành đường ngang hoàn hảo nhưng cũng không nên quá dốc.

Mẫu hình vai đầu vai cũng có thể hình thành theo hướng ngược lại và hoạt động như một mẫu hình đảo chiều cho xu hướng giảm trước đó – Xem hình 02.

Hình 03 dưới đây là một ví dụ về mô hình vai đầu vai được xác định trên biểu đồ chỉ số VN-Index trong giai đoạn từ tháng 11/2017 đến tháng 07/2018.

Chiến lược giao dịch với mẫu hình vai đầu vai

Chiến lược giao dịch phổ biến với mẫu hình vai đầu vai là mở vị thế khi giá cắt xuống Đường Viền Cổ và đóng vị thế tại mức giá mục tiêu được tính toán như sau: 

Giá mục tiêu = E4-(E3-E4)

Tín hiệu giá cắt xuống Đường Viền Cổ có thể bị nhiễu. Do đó, để đảm bảo rằng đã có sự phá vỡ Đường Viền Cổ một cách rõ ràng, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược chờ đợi giá giảm xuống một mức đáng kể dưới Đường Viền Cổ (thường là 3% hoặc 5%) và/hoặc giới hạn thời gian giá duy trì dưới Đường Viền Cổ trước khi mở vị thế; khi sử dụng biểu đồ giá hàng ngày, quy tắc giới hạn thời gian có thể là từ vài ngày đến một tuần.

Tuỳ theo mức chịu rủi ro của nhà đầu tư, điểm mở vị thế có thể sớm hơn hoặc trễ hơn so với chiến lược phổ biến nêu trên:

  • Mở vị thế khi giá hồi lại Đường Viền Cổ: Sau khi phá vỡ đường viền cổ, giá thường có một nhịp hồi lại (pullback) nhưng không thể vượt qua Đường Viền Cổ trước khi tiếp tục giảm. Đây là cơ hội thứ hai để mở vị thế với rủi ro thấp hơn.

  • Mở vị thế khi Vai Phải đang hình thành: Khi Vai Phải đã tạo đỉnh E5 và bắt đầu giảm, nhà đầu tư có thể mở vị thế trước khi giá giảm xuống dưới Đường Viền Cổ.

  • Mở vị thế khi giá giảm từ đỉnh Đầu: Khi giá giảm từ đỉnh E3 và cắt xuống đường xu hướng, nhà đầu tư có thể mở vị thế với kỳ vọng mẫu hình vai đầu vai sẽ hình thành. 

Dù chọn điểm mở vị thế nào, nhà đầu tư nên có thêm chiến lược cắt lỗ để giới hạn rủi ro trong trường hợp mẫu hình không diễn ra như dự đoán. Ngoài ra, không nên chỉ dựa vào mẫu hình vai đầu vai để đưa ra quyết định giao dịch. Hãy kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác và phân tích cơ bản để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.